Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015

  04/01/2016

Ngày 22/6/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP. Cụ thể hướng dẫn các nội dung sau:

1. Về phương pháp tính thuế TNDN (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 3 Thông tư78/2014/TT-BTC)

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về kê khai, nộp thuế TNDN đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước ngoài, cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam đối với các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế suất thuế TNDN ở các nước mà doanh nghiệp đầu tư thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế TNDN tính theo Luật thuế TNDN của Việt Nam.

- Khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài được kê khai vào quyết toán thuế TNDN của năm có chuyển phần thu nhập về nước theo quy định của pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Khoản thu nhập (lãi), khoản lỗ phát sinh từ dự án đầu tư ở nước ngoài không được trừ vào số lỗ, số thu nhập (lãi) phát sinh trong nước của doanh nghiệp khi tính thuế TNDN.

- Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài có chuyển phần thu nhập về nước mà không thực hiện kê khai, nộp thuế đối với phần thu nhập chuyển về nước thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước ngoài theo quy định.

- Đơn giản hóa hồ sơ, tài liệu khi kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đối với khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài đảm bảo tương đồng với trường hợp áp dụng hiệp định, bao gồm: (i) Bản chụp Tờ khai thuế thu nhập ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế; (ii) Bản chụp chứng từ nộp thuế ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế hoặc bản gốc xác nhận của cơ quan thuế nước ngoài về số thuế đã nộp hoặc bản chụp chứng từ có giá trị tương đương có xác nhận của người nộp thuế.

2. Về xác định thu nhập tính thuế (sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 4Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Hướng dẫn rõ hơn về chuyển lỗ năm tiếp theo giữa các loại thu nhập, cụ thể: Doanh nghiệp trong kỳ tính thuế có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản,chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) nếu bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả thu nhập khác quy định tại Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC), sau khi bù trừ vẫn còn lỗ thì tiếp tục được chuyển sang các năm tiếp theo trong thời hạn chuyển lỗ theo quy định.

3. Về thời điểm xác định doanh thu để tính thuế TNDN (sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Sửa đổi quy định về thời điểm xác định xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ, cụ thể:

Thời điểm xác định xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp cụ thể), Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC (doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi).

4. Về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

4.1. Đối với chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.

Hướng dẫn cụ thể về hồ sơ xác định giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác

Hồ sơ xác định giá trị tổn thất được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.

4.2. Về chi khấu hao tài sản cố định

Bổ sung các tài sản cố định của doanh nghiệp phục vụ cho người lao động và để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN bao gồm: thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp; cơ sở vật chất, máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

4.3. Về phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá

Bỏ quy định doanh nghiệp tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh làm cơ sở xác định chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá phần vượt mức tiêu hao hợp lý không được tính vào chi phí được trừ.

Đối với phần chi vượt định mức tiêu hao đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

4.4. Về chi trả tiền thuê tài sản của cá nhân

Bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ khi tính thuế đối với chi trả tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ

4.5. Về chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao độngsửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

- Bổ sung quy định không được tính vào chi phí được trừ đối với chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

4.6. Về chi trang phục cho người lao động sửa đổi, bổ sung như sau:

Bỏ mức khống chế đối với trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cho người lao động bằng hiện vật, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.

4.7. Về khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác

- Bỏ mức khống chế đối với khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có khoán phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán.

4.8. Về chi trả tiền điện, tiền nước

Bỏ quy định doanh nghiệp phải lập bảng kê thanh toán tiền điện, tiền nước theo mẫu số 02/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC.

4.9. Về chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp.

- Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

4.10. Về chi phí tài trợ cho giáo dục

Bổ sung hướng dẫn chi tài trợ cho giáo dục bao gồm cả chi tài trợ cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp nếu không đúng đối tượng quy định hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

4.11. Về chi tài trợ làm nhà cho người nghèo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết

Sửa đổi, bổ sung: Trường hợp bên nhận tài trợ là cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ thì hồ sơ xác định khoản tài trợ bao gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ và cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ là bên nhận tài trợ; hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền), không cần có văn bản xác nhận hộ nghèo của chính quyền địa phương (đối với tài trợ làm nhà cho người nghèo).

4.12. Bổ sung quy định chi tài trợ theo chương trình của Nhà nước bao gồm cả khoản tài trợ của doanh nghiệp cho việc xây dựng cầu mới dân sinh ở địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.13. Bổ sung một số khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế được tính vào chi phí được trừ như sau:

- Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động bao gồm:

+ Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học.

+ Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp

- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động).

4.14. Bổ sung hướng dẫn: Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vượt mức thực tế phát sinh của nămkhông được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Trường hợp nộp một lần, mức thực tế phát sinh của năm được xác định trên cơ sở tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phân bổ cho số năm khai thác còn lại. Trường hợp nộp hàng năm, mức thực tế phát sinh là số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm mà doanh nghiệp đã vào nộp ngân sách nhà nước.

5. Về thu nhập khác (sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

- Bỏ quy định: Thu nhập khác là khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp được hướng dẫn tại đoạn 1 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

- Bỏ quy định khoản thu nhập từ dự án đầu tư ở nước ngoài khi chuyển về nước được coi là khoản thu nhập khác.

- Về thu nhập từ chênh lệch tỷ giá tại Khoản 9 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTCsửa đổi nội dung sau:

+ Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí tài chính, nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.

+ Lãi hoặc lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào thu nhập khác hoặc chi phí tài chính khi xác định thu nhập chịu thuế.

6. Về thu nhập được miễn thuế (sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 8Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Bổ sung thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã; thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản của doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN.

Doanh nghiệp phải xác định riêng thu nhập sản phẩm, hàng hóa chế biến  từ nông sản, thủy sản để được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

7. Về chuyển lỗ khi chia, táchdoanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung Khoản 3Điều9Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Bổ sung hướng dẫn: Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chia, tách thành doanh nghiệp khác và đang còn trong thời gian chuyển lỗ theo quy định thì số lỗ này sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp sau khi chia, tách theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu được chia, tách.

8. Về xác định giá mua của phần vốn chuyển nhượng (sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ hai điểm a Khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

- Trường hợp chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng vốn trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

- Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm chuyển nhượng.

- Bỏ quy định: Trường hợp phần vốn doanh nghiệp góp hoặc mua lại có nguồn gốc một phần do vay vốn thì giá mua của phần vốn chuyển nhượng bao gồm cả các khoản chi phí trả lãi tiền vay để đầu tư vốn.

9. Về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN (Sửa đổi, bổ sungmột số nội dung tại Điều 18 Thông tư 78/2014/TT-BTC, Điều 5 Thông tư151/2014/TT-BTC)

9.1. Về xác định ưu đãi đối với trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tưđược hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện vềđịa bàn ưu đãi đầu tư.

9.2. Về dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN quy định tại khoản 5 Điều 18 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 5 Thông tư 151/2014/TT-BTC) được sửa đổi, bổ sung những nội dung sau:

- Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01/01/2014 nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh doanh thu thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đầu tư mới theo quy định tại Luật số 32/2013/QH13; Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

9.3. Bổ sung Khoản 8a Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về kỳ tính thuế đầu tiên 

10. Về thuế suất ưu đãi (sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

10.1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC về áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn mười lăm năm (15 năm)

10.2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC về kéo dài thời gian áp dụng thuế suất 10%

10.3. Tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC về áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động:

Bổ sung phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vựcgiám định tư pháp; thu nhập của doanh nghiệp từ chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.

Bổ sung hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm bao gồm cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư để cho thuê bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm.

10.4. Bổ sung Khoản 3a Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về đối tượng áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

11. Về thời gian miễn thuế, giảm thuế (sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Bổ sung hướng dẫn: “Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định nêu trên được tính từ năm được cấp Giấy chứng nhận công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

12. Về chuyển tiếp ưu đãi (bổ sung một số nội dung tại Điều 23 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

13. Bãi bỏ điểm 21 Khoản 2 Điều 6, Khoản 5 Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC

Về khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị và năm miễn thuế, giảm thuế và các nội dung hướng dẫn về thuế TNDN do Bộ Tài chính và các ngành ban hành không phù hợp với quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC.

(Theo công văn số 2512/TCT-CS ngày 24/06/2015)

Link tải

 

Bình luận